Hơn một năm trước đây, tôi đã có một mơ ước được đi từ Singapore sang châu Âu bằng chi phí tiết kiệm nhấtkhông đi máy bay.

Ý tưởng về chuyến đi táo bạo này thực ra được nhen nhóm từ một thử thách không quá khó – đó là đi tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ, một trong ba tuyến đường sắt xuyên Siberia. Đó có lẽ cũng là lộ trình đi tàu hoả xuyên Mông Cổ thú vị nhất, xuất phát từ Bắc Kinh, đi qua Mông Cổ và tiếp tục hướng về phía Tây Moscow (Matxcơva). Tuyến đường sắt xuyên Siberia, chắc các bạn đã biết, là tuyến đường sắt dài nhất trên thế giới. Lộ trình ban đầu của nó là nối liền hai đầu của Nga – Moscow và Vladivostok. Để hoàn thành lộ trình này, tàu sẽ chạy trong một tuần.

Sau khi nghiên cứu kỹ càng hơn, tôi đã tìm ra cách để bắt chuyến tàu này ở Bắc Kinh, mà không cần phải đi máy bay từ Singapore đến Bắc Kinh, và càng quyết tâm thực hiện được mơ ước của mình.

Lộ trình và Chi phí

Có một vài cách để đi từ Singapore đến châu Âu bằng đường bộ, và lộ trình tôi chọn là cách dễ đi nhất.

Singapore – Malaysia – Thái Lan – Lào – Việt Nam – Trung Quốc – Mông Cổ – Nga

Một trong những website hữu ích nhất mà tôi dùng để lên kế hoạch cho chuyến đi của mình là Seat61, trên đó có thông tin về các chuyến tàu hoả trên khắp thế giới.

Đây là chỉ dẫn trên website làm thế nào để đi Singapore tới London bằng tàu hoả. Chuyến đi của tôi gần giống như vậy, nhưng tôi chọn đi kết thúc chuyến đi ở Moscow, về địa lý là thuộc châu Âu rồi. Nếu các bạn muốn tiếp tục đi sâu hơn vào châu Âu thì cũng có thể dễ dàng tiếp tục đi xe lửa vòng quanh châu Âu. Nhưng tôi dừng lại ở Moscow và bay đến Iran để bắt đầu cuộc phiêu lưu tiếp theo.

Đây là lộ trình chính xác của tôi:

Tôi chia chuyến đi “Singapore đến châu Âu” của mình làm ba phần: Đông Nam Á, Trung Quốc/Mông Cổ và Nga, để hoạch định ngân sách cho mỗi phần.

Tổng cộng, tôi đã chi 3,000 SGD (tức là 48 triệu VND) cho hành trình kéo dài 7 tuần của mình.

Nếu bạn đi từ Việt Nam, lộ trình của bạn sẽ ngắn hơn nhiều, và chi phí tất nhiên sẽ giảm, chỉ còn khoảng 2,200 SGD (tức là khoảng 35 triệu VND). Lưu ý là bạn cần xin visa trước chuyến đi.

Những điểm nhấn của chuyến đi

Trước khi tôi chia sẻ về cách thực hiện chuyến đi này, hãy xem một số tấm ảnh tôi đã chụp trong chuyến đi của mình nhé. Ngay khi tôi đang viết những dòng chữ này, những kỷ niệm tuyệt vời về chuyến đi như sống lại trong tôi, những ký ức mà tôi sẽ không bao giờ quên…

Bơi ở thác Kuang Si tuyệt đẹp ở Lào

Sự hoành tráng và quy mô của Vạn Lý Trường Thành

Lần đầu ngắm hoa anh đào ở Bắc Kinh

Đi road-trip qua những thảo nguyên và sa mạc rộng lớn ở Mông Cổ

Và ngắm những buổi hoàng hôn như thế này

Một em bé du mục uống bia rất giỏi

Đi bộ trên hồ nước đóng băng Baikal ở Nga

Và cả đạp xe trên mặt hồ băng giá nữa

Có một buổi picnic ở giữa hồ băng Baikal

Hồ Baikal là hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới!

Những chuyến tàu tưởng như vô tận, với mỗi ngày tỉnh giấc lại thấy cảnh quan bên ngoài thay đổi

Và dĩ nhiên rất nhiều người thú vị trong suốt chuyến đi. Tôi đã có thêm rất nhiều những người bạn mới.

Bây giờ, hãy cùng tôi tìm hiểu kỹ hơn về chi phí của chuyến đi này nhé. 3,000 SGD hay 48 triệu VND này bao gồm chi phí đi lại, ăn ở, và các phụ phí khác trong 7 tuần. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ liệt kê ra đây chi phí đi lại, ăn ở và các phụ phí đáng kể.

1. Đông Nam Á

Thời gian: 2 tuần

Tổng chi phí: S$800 (=12,800,000vnđ)

Hai tuần thực sự là không đủ để khám phá Đông Nam Á. Lý do tôi không có nhiều thời gian ở đó là bởi tôi muốn có nhiều thời gian ở Mông Cổ và Nga hơn cho chuyến đi này.

Chi tiết lộ trình và chi phí đi lại

  • Đi bus từ Woodlands, Singapore đến Johor Bahru, Malaysia: S$6 (96,000vnđ)
  • Đi tàu từ Johor Bahru đến Hat Yai, Thái Lan: S$26.50 (424,000vnđ)
  • Đi tàu từ Hat Yai đến Bangkok: THB 845 (528,000vnđ)
  • Đi tàu từ Bangkok đến Nong Khai, Lào: THB 758 (480,000vnđ)
  • Đi tàu từ Nong Khai đến Thanaleng: THB 20 (16,000vnđ)
  • Đi bus từ Thanaleng đến Vientiane (Viêng Chăn): THB 100 (64,000vnđ)
  • Đi xe bus giường nằm từ Vientiane đến Luang Prabang: LAK 180,000 (496,000vnđ)
  • Đi bus từ Luang Prabang đến Sam Neua: LAK 190,000 (520,000vnđ)
  • Đi chung songthaew (“xoỏng thẻo”) từ Sam Neua đến Vieng Xai: LAK 70,000 (192,000vnđ)
  • Đi xe bus từ Sam Neua đến Thanh Hoá, Việt Nam: LAK 180,000 (496,000vnđ)
  • Đi tàu từ Thanh Hoá đến Hà Nội: 116,000vnđ
  • Đi xe bus từ Hà Nội đến Nam Ninh, Trung Quốc: 500,000vnđ

Chi phí ăn ở (mỗi đêm)

  • Nhà nghỉ Hat Yai Youth Hostel, Hat Yai: THB 250 (160,000vnđ)
  • Nhà nghỉ The Hostel Sixteen, Bangkok: THB 275 (176,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Lucky Backpackers Hostel, Vientiane: LAK 40,000 (112,000vnđ)
  • Nhà khách Lane Xang Guesthouse, Luang Prabang: LAK 70,000 (192,000vnđ)
  • Nhà khách Bounhome Guesthouse, Sam Neua: LAK 70,000 (192,000vnđ)
  • Khách sạn Xinh Minh Tây Hotel, Thanh Hoá: 200,000vnđ
  • Khách sạn Little Diamond Hotel, Hà Nội: 126,000vnđ
  • Nhà nghỉ May De Ville Backpackers Hostel, Hà Nội: 75,000đ

Những chi phí đáng kể khác

  • Massage kiểu Thái ở Healthland Spa (và tiền tip) ở Bangkok: THB 650 (408,000vnđ)

Giữ túi tiền cho chặt khi bạn ở Thái Lan nhé! Nếu không thì bạn sẽ nướng kha khá tiền vào ăn uống, mua sắm và đi spa ở đó đấy!

2. Trung Quốc và Mông Cổ

Thời gian: 2 tuần

Tổng chi phí: S$1200 (=19,200,000vnđ)

Có hai thứ tôi mong chờ ở đoạn hành trình này: Vạn Lý Trường Thành và các sa mạc rộng lớn ở Mông Cổ. Cả hai nơi đều đẹp đến mức không thể diễn tả đủ bằng lời!

Chi tiết lộ trình và chi phí đi lại

  • Đi tàu nằm từ Nam Ninh đến Bắc Kinh: RMB 751 (2,528,000vnđ)
  • Đi bus từ Bắc Kinh đến Zamiin Uud, Mông Cổ: RMB 220 (744,000vnđ)
  • Đi tàu từ Zamiin Uud đến Ulaanbaatar: MNT 33,950 (360,000vnđ)
  • Đi tàu từ Ulaanbaatar đến irkutsk, Nga: MNT 130,000 (1,368,000vnđ)

Từ Hà Nội đến Bắc Kinh cũng có tàu thẳng tuy nhiên rất đắt (hơn 7 triệu vnđ) và chỉ có 2 chuyến 1 tuần. Bạn nên đi xe bus từ Hà Nội đến Nam Ninh, sau đó đi tàu đến Bắc Kinh sẽ rẻ hơn (tổng chi phí từ Hà Nội đến Bắc Kinh như thế chỉ 3 triệu). Tuy nhiên, ở bến tàu Nam Ninh rất lộn xộn, và nếu như bạn không biết tiếng Trung Quốc thì phải tìm quầy bán vé nói tiếng Anh.

Từ Bắc Kinh, tôi đã có thể bắt đầu hành trình đường sắt xuyên Mông Cổ của mình. Ban đầu tôi định bắt chuyến tàu đi thẳng đến Ulaanbaatar, nhưng sau đó phát hiện ra sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu đi bus đến Erlian, qua biên giới tới Zamiin Uud, rồi mới đi tàu tới Ulaanbaatar. Xe bus từ Bắc Kinh đến Erlian khởi hành từ trạm bus Muxiyuan Bus Station (tìm hiểu thêm thông tin ở đây), nghỉ 12 tiếng ở Erlian, sau đó tiếp tục chạy thẳng đến Zamiin Uud. Nếu bạn không muốn chờ đợi thì có thể chuyển tàu đi thẳng từ Erlian đến Zamiin Uud.

Từ Zamiin Uud, tôi bắt đầu chuyến tàu lịch sử của mình qua Mông Cổ và Nga.

Chi phí ăn ở (mỗi đêm)

  • Một khách sạn ở Nam Ninh (tên chữ Trung Quốc): RMB 80 (272,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Beijing Downtown Backpackers, Bắc Kinh: RMB 50 (168,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Sunpath Mongolia, Ulaanbaatar: MNT 13,800 (144,000vnđ)

Những chi phí đáng kể khác

  • Tour 1 ngày đi Vạn Lý Trường Thành: RMB 280 (944,000vnđ)
  • Tour 4 ngày đi trung tâm Mông Cổ: MNT 574,000 (6,048,000vnđ)

3. Nga

Thời gian: 3 tuần

Tổng chi phí: S$1000 (=16,000,000vnđ)

“Ở Nga thì có cái gì hay chứ?!!!”

Trước khi đi tôi đã nghĩ thế đó.

Tôi đã luôn luôn nghĩ nước Nga là một nơi đáng sợ (với những lái xe say rượu trên đường, những gã chồng xỉn đánh vợ trên đường phố, và những kẻ phân biệt chủng tộc ghét người châu Á – xin lỗi, có lẽ tôi đã đọc báo hơi nhiều!). Vậy nên, tôi đã cố gắng chuẩn bị kỹ hơn cho đoạn hành trình ở Nga này. Đầu tiên là học một vài câu nói tiếng Nga, chẳng hạn như “vi gavarite po angliski” (bạn có nói tiếng Anh không?)“ya ne panimayu”(tôi không hiểu). Cực kỳ có ích các bạn ạ! Đúng là người Nga thì không hay cười cho lắm, nhưng họ rất nhiệt tình khi bạn hỏi xin sự trợ giúp từ họ. (Nhất là khi bạn là một cô gái châu Á nhìn-có-vẻ-hiền-lành, và lại còn nỗ lực học nói chút tiếng Nga nữa!)

Tôi yêu phong cảnh đẹp khiến người ta phải kinh ngạc ở Nga, đặc biệt là hòn đảo Olkhon. Thời điểm tôi đến đó là vào mùa xuân, và thời tiết rất tuyệt – đủ lạnh để khám phá Siberia như tôi đã tưởng tượng (xứ xở thần tiên mùa đông), nhưng cũng không đến mức rét thấu xương. Hay nhất là hồ Baikal vẫn đóng băng và tôi đã được đi bộ và đạp xe ở đó, thật tuyệt vời!

Du lịch ở Nga hiện nay không quá đắt đỏ cho dân du lịch bụi, vì đồng rúp Nga đang mất giá. Tôi cứ nghĩ là phải tiêu gấp đôi số tiền tôi đã thực sự phải chi tiêu ở Nga.

Chi tiết lộ trình và chi phí đi lại

  • Đi bus khứ hồi từ Irkutsk đến đảo Olkhon: RUB 1800 (576,000vnđ)
  • Đi tàu đệm không khí khứ hồi qua hồ Baikal: RUB 700 (224,000vnđ)
  • Đi tàu từ Irkutsk đến Krasnoyarsk: RUB 1703.50 (552,000vnđ)
  • Đi tàu từ Krasnoyarsk đến Ekaterinburg: RUB 2564.50 (824,000vnđ)
  • Đi tàu từ Ekaterinburg đến Kazan: RUB 1277 (408,000vnđ)
  • Đi tàu từ Kazan đến Moscow: RUB 1740 (472,000vnđ)

Hầu hết những điểm tôi xuống tàu và đi tham quan ở Nga đều phổ biến với dân du lịch bụi, trừ Krasnoyarsk. Tôi quyết định ghé thăm Krasnoyarsk để đi bộ leo núi ở Công viên quốc gia Stolby. Điều duy nhất tôi nuối tiếc là đã không đi qua St. Petersburg. Những người bạn Nga và cả những người bạn cũng đi du lịch tôi gặp trong chuyến đi đều nói với tôi rằng St. Petersburg là thành phố tuyệt vời nhất ở Nga, có thể là nhất trên thế giới nữa. Chắc là họ nói quá, nhưng tôi quyết tâm sẽ kiểm chứng lời của họ vào một ngày nào đó!

Phần lớn những chuyến tàu tôi đi là ngồi ở khoang hạng ba platzkart. Tôi thường được hỏi rằng “đi xe lửa xuyên Siberia có đắt không?”, câu trả lời là không đắt lắm, nếu bạn chịu ngồi ở platzkart. Khoang hạng ba platzkart là một không gian mở với hai tầng ghế hai bên. Khoang hạng 2 kupe thì được chia thành các ngăn kín. Tôi đã thử cả hai loại rồi nhưng tôi thích platzkart hơn vì nó rẻ hơn, “mở” hơn – vì thế nên dễ làm quen nói chuyện với các hành khách đồng hành cùng mình trên chuyến tàu.

Chi phí ăn ở (mỗi đêm)

  • Nhà nghỉ Baikaler Hostel, Irkutsk: RUB 600 (192,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Rural Hostel, đảo Olkhon: RUB 1100 (352,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Domino Hostel, Ekaterinburg: RUB 350 (112,000vnđ)
  • Nhà nghỉ Fasol Hostel, Moscow: RUB 900 (288,000vnđ)

Ở Nga có hai nơi nghỉ chân rất tuyệt mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn. Đó là Rural Hostel (cũng được biết đến là Olga’s) ở đảo Olkhon, và nhà nghỉ Fasol Hostel ở Moscow.

Bà Olga, người chủ của Rural Hostel nấu ăn CỰC NGON, và giá nghỉ đã bao gồm HAI BỮA ĂN sáng và tối! Rural Hostel là cùng một chủ với Baikaler Hostel ở Irkutsk, nên bạn phải ở Baikaler Hostel ở Irkutsk trước rồi mới book phòng (chỉ dành cho khách quen) ở Olga’s được.

Nhà nghỉ Fasol Hostel ở Moscow thì chỉ có một từ thôi “hoàn hảo”: không khí ấm cúng, nội thất đẹp, trà, các loại hạt và bàn chải miễn phí, giường êm, nhân viên thân thiện… bạn chắc chắn sẽ thích mê khi nghỉ ở đó.

Khi ở Krasnoyarsk và Kazan, tôi xin ngủ nhờ ở nhà của hai thành viên trang Couchsurfing nên không mất tiền.

Những chi phí đáng kể khác

  • Thư mời (đăng ký trên trang Real Russia): £15 (480,000vnđ)
  • Visa du lịch (làm gấp): S$182 (2,912,000vnđ)

Tôi xin visa ở Singapore trước khi bắt đầu chuyến đi. Tôi làm hơi trễ nên phải nộp phí làm nhanh. Các bạn chú ý xin visa sớm.

Nhìn lại tổng chi phí

Đông Nam Á: S$800 (12,800,000vnđ) – 2 tuần 

Mông Cổ và Trung Quốc: S$1200 (19,200,000vnđ) – 2 tuần

Nga: S$1000 (16,000,000vnđ) – 3 tuần

Tổng cộng: S$3000 (48,000,000vnđ) cho 7 tuần

Những thông tin hữu ích khác

Sau đây là những việc mà bạn nên cân nhắc trước khi quyết định có nên đi giống như tôi hay không.

Bạn có hợp đi du lịch đường bộ không?

Quan trọng nhất đấy. Nếu bạn không thích ngồi hàng giờ ở trên xe lửa thì đừng đi. Tôi thì rất khoái ngồi trên tàu ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ, đọc sách hoặc là nằm ngủ, nên đi du lịch kiểu này rất hợp với tôi.

Bạn sẽ phải chuẩn bị để sống ở trên tàu – ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân. Phải sẵn sàng tinh thần để đối mặt với việc giờ tàu chạy bị trì hoãn, ghế ngồi cọt kẹt hay bẩn, ăn mì úp, ngồi chung toa (hay kinh dị hơn là chung ghế) với những kẻ quái dị, hay đơn giản là ngồi lì hàng giờ trên tàu chẳng biết làm cái gì cả. Dĩ nhiên là đi tàu đường dài thế này cũng vui lắm khi bạn có thể làm quen và tán dóc suốt dọc đường với những người bạn mới, xem cảnh vật biến chuyển ngoài ô cửa sổ, và những điểm dừng thú vị bạn có thể nhảy xuống chơi bất kỳ lúc nào nữa.

Đi du lịch bụi tiết kiệm thế có khổ lắm không?

Để chỉ tiêu có 48 triệu trong 7 tuần đi du lịch qua nhiều nước như vậy thì bạn phải cực kỳ chi li tính toán. Tin vui cho bạn là tôi đã không đi nhờ xe, không ngủ trên đường, và ăn ba bữa một ngày. Có vài ngày tôi cũng tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon.

Nhưng tôi tiết kiệm bằng cách luôn luôn chọn cách di chuyển rẻ nhất, ở nhà nghỉ rẻ (nhưng phải có reviews tốt), và không cố gắng xem hết những điểm tham quan cho du khách ở một thành phố nào đó.

Bí quyết để du lịch tiết kiệm thực sự là lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và kiểm soát tốt bản thân để theo đúng kế hoạch đó. Đừng mua những gì bạn không cần, tìm hiểu những hoạt động miễn phí bạn có thể làm ở những nơi bạn ghé thăm, chuẩn bị ngân sách cho những nơi bắt buộc phải mua vé hoặc mua tour. Tôi dùng một ứng dụng điện thoại tên là Trail Wallet để theo dõi tất cả chi tiêu trong chuyến đi. Bạn cũng nên dùng ứng dụng tương tự như vậy, rất hiệu quả để kiểm soát chi tiêu.

Bạn cũng có thể thử Couchsurfing. Không phải chỉ để có chỗ ở miễn phí mà để gặp gỡ những người bạn bản địa, trao đổi văn hoá và học được về nơi bạn đến từ góc nhìn của dân địa phương. Trong chuyến đi của mình, tôi đã ở với hai chủ nhà (host), và gặp rất rất nhiều những Couchsurfers khác để đi khám phá thành phố cùng họ. Couchsurfing đã thay đổi cách đi du lịch của tôi. Giờ đây, tôi rất thích gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới và trò chuyện với họ thay vì chỉ chăm chăm đi chụp ảnh ở tất cả các điểm đến du lịch.

Hãy tin tôi, bạn không cần quá nhiều tiền để có những trải nghiệm tuyệt vời khi đi du lịch.

Có cần đặt trước cái gì không?

Tôi không đặt mua vé hay đặt phòng trước cho cả chuyến đi này. Tôi chỉ mua vé hay đặt phòng trước 1-2 ngày hoặc có khi đến đâu mua vé / tìm nhà nghỉ đến đấy. Làm như thế bạn sẽ chủ động hơn khi muốn thay đổi lịch trình. Tôi khuyên bạn không nên book trước bất cứ cái gì khi đi du lịch dài ngày vì mọi kế hoạch đều có thể thay đổi.

Tuy nhiên, vé tàu xuyên Siberia vào mùa cao điểm (tháng 7 đến tháng 9) thì nên được mua trước. Có hai cách mua vé trước như sau:

  1. Vào trang website chính thức của công ty tàu hoả, bạn sẽ mua được vé với giá tốt nhất.
  1. Mua qua đại lý du lịch uy tín như Tutu Travel hay Real Russia. Giá vé đắt hơn đáng kể nhưng việc mua vé dễ dàng hơn, và chăm sóc hậu mãi cũng tốt hơn.

Nếu bạn không đi vào mùa cao điểm thì chỉ việc đến bến xe lửa và mua vé (cần cho họ xem hộ chiếu của bạn). Viết lại số tàu, ngày đi, hạng của khoang, số toa và số ghế. Khi mua vé bạn có thể chọn giường trên hay giường dưới. ĐỪNG chọn giường trên nếu có thể.

Mang theo những gì?

Tuy mỗi cá nhân cần mang theo những thứ khác nhau để phù hợp yêu cầu, sở thích riêng, nhưng lời khuyên của tôi là chỉ mang những thứ cần thiết nhất: hộ chiếu, quần áo, giày dép, bộ sơ cứu y tế, đồ điện tử cá nhân (điện thoại, máy tính bảng,…), sạc, pin dự phòng và ổ cắm chuyển đổi, tất/vớ và đồ lót dư.

Bạn sẽ dễ bị thu hút bởi rất nhiều phụ kiện du lịch vừa đắt đỏ vừa không cần thiết khi chuẩn bị cho chuyến đi. Hãy nghe tôi: đừng phí tiền của bạn. Bạn sẽ hoàn toàn ổn mà không có chúng. Dĩ nhiên, nếu bạn muốn thì vẫn có thể mang thêm một vài thứ thôi nhé, và phải đảm bảo chúng sẽ giúp bạn đi du lịch thoải mái hơn.

Cuối cùng, đừng mang nhiều hơn là bạn có thể vác. Tôi trước kia dùng balo 46L Osprey Kyte, khá là nhỏ so với những loại các bạn Tây balo khác hay đeo. Bây giờ tôi chỉ dùng loại 40L Osprey Farpoint nhưng vẫn đủ và di chuyển đỡ mệt hơn nhiều.

Vài lời cuối

Trước khi đi, nhiều người đã ngăn cản tôi và nói rằng tôi bị điên mới muốn có một chuyến đi nguy hiểm như vậy, nhất là khi tôi là con gái lại đi một mình. Tôi đã phải thuyết phục bố mẹ mình rất nhiều mới có được sự cho phép.

Nhưng trong suốt chuyến đi, tôi đã được gặp nhiều người nói với tôi rằng tôi đã truyền cảm hứng cho họ. Chính vì vậy, khi trở về tôi đã viết bài này để nói với bạn rằng chuyến đi này thực sự rất “bình thường”. Nếu tôi đã làm được thì bạn hoàn toàn cũng có thể làm được.

Đơn giản là tiết kiệm tiền, lên kế hoạch cụ thể, sắp xếp hành lý và đi thôi! Nếu bạn có câu hỏi gì hay muốn làm quen với tôi, hãy ghé Instagram của tôi (@dinamalyana) nhé.

Xem thêm: 6 bài học từ 6 tuần đi du lịch bụi ở Hàn Quốc của tôi

Bài viết này được dịch từ: Singapore to Europe by Land: It Took Me 7 Weeks & S$3000

 

Jennifer Nguyen

Jennifer Nguyen loves to explore new places but she’s very picky about where she heads to and wants her trips to be perfectly planned.

Recent Posts

9 ĐỊA ĐIỂM DU XUÂN PHẢI TỚI ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG HOA NỞ Ở TỈNH GANGWON

Hãy để những bông hoa xinh đẹp của mùa xuân ở Gangwon đánh cắp trái…

3 years ago

Cẩm nang du lịch tối ưu cho một kỳ nghỉ ngắn ngày sau Covid-19 tại Việt Nam!

Đại dịch coronavirus đã đưa ngành du lịch rơi vào tình trạng bế tắc. Với…

4 years ago

Cẩm nang du lịch Okinawa – thiên đường bí ẩn của Nhật Bản

Khi nghĩ đến Nhật Bản, tôi nhớ ngay đến cảnh đô thị náo nhiệt -…

4 years ago

15 món quà lưu niệm Okinawa thú vị mà bạn nhất định phải săn về nhà

Khi ngồi xuống viết danh sách những món quà lưu niệm Okinawa, trong đầu tôi…

4 years ago

18 Chợ Đường Phố Hong Kong Nhất Định Phải Đến

Hong Kong là thành phố nổi tiếng bởi vẻ hiện đại nhưng đồng thời gắn…

4 years ago

FlixBus: Đánh giá những điểm tốt và hạn chế

Nếu bạn chuẩn bị đến châu Âu, tôi chắc rằng đa số bạn bè của…

4 years ago