Kinh nghiệm xin visa đi nước ngoài cho người Việt Nam

Bài viết này tổng hợp một số kinh nghiệm của mình trong việc xin visa đi nước ngoài. Mình sẽ không đi vào chi tiết mà chỉ thống kê lại một số điều cần lưu ý khi mọi người xin visa đi nước ngoài. Cụ thể là các nước phát triển. Mình may mắn chưa bao giờ bị từ chối visa, nhưng mình đã biết một vài trường hợp bị từ chối một cách ‘đau thương’ (sau khi đã mua vé máy bay, lên kế hoạch lịch trình chi tiết, v.v…). Nên mình viết post này với mong muốn có thể giúp được những người quan tâm. Bài viết này thích hợp nhất với các bạn ở Hà Nội nhé.

Bài viết này được đóng góp bởi: Minh Thi

Tokyo, một trong những thành phố quyến rũ khó quên mà mình may mắn có dịp đặt chân đến. Ảnh được chụp tại khu Harajuku gần Đền Meiji nổi tiếng.

1. Biết rõ yêu cầu xin visa của đại sứ quán

Thứ nhất, “bí quyết” chung của việc xin visa thành công đó là bạn LÀM THEO CHÍNH XÁC yêu cầu của đại sứ quán. Tức là họ yêu cầu 12 loại giấy tờ, thì bạn nộp đúng 12 loại giấy tờ như thế. Nếu họ yêu cầu 12 hạng mục, mà bạn chỉ đem tới giấy tờ của 11 hạng mục thôi, thì bạn sẽ bị yêu cầu bổ sung. Mà một khi đã bị yêu cầu bổ sung thì thời điểm có kết quả visa sẽ bị lùi lại, làm chậm công việc của bạn. Do đó, bạn phải đọc thật kỹ, kiểm tra thật kỹ giấy tờ trong hồ sơ của mình nhé.

2. Xin visa sớm

Thứ hai, bạn nên xin visa càng sớm càng tốt. Ví dụ như tháng 7 xuất phát thì tháng 5 hoặc ngay đầu tháng 6 phải nộp hồ sơ rồi. Các đại sứ quán có lịch của họ. Trong nhiều trường hợp, cho dù bạn cần đi gấp thì họ cũng sẽ không giải quyết sớm cho bạn. Vì nhân lực của họ hạn chế, không đủ người để giải quyết cho ai theo diện ưu tiên.

Trong trường hợp bạn được mời đi công tác và lịch bay gấp. Bạn có thể nhờ đơn vị mời can thiệp hộ bằng cách gửi fax đến sứ quán để họ “châm chước”. Nhưng tất nhiên cũng tùy sứ quán mà nguyện vọng của bạn có được đáp ứng hay không.

3. Vấn đề thanh toán

Thứ ba, bạn cần check kỹ yêu cầu về số tiền thanh toán lệ phí xin visa. Một số đại sứ quán yêu cầu nộp tiền VNĐ, nhưng 1 số khác lại yêu cầu nộp $$$ (tiền Việt họ lại không nhận). Trường hợp như ĐSQ Mỹ thì theo mình nhớ là phải thanh toán lệ phí trước qua một ngân hàng trung gian rồi kẹp hóa đơn vào hồ sơ xin visa (bạn nào cần biết cụ thể xin mời google, mình không làm hộ công việc đơn giản này nha).

Thứ tư, để tránh “bài học thương đau”, nếu có phải bao gồm giấy booking khách sạn trong hồ sơ thì bạn nên đặt phòng khách sạn nào cho phép refund. Để nếu không được cấp visa thì bạn còn cancel kịp và không mất tiền.

Sau đây là một số kinh nghiệm của cá nhân mình trong việc xin visa các nước:

– Đại sứ quán Mỹ: nhiều người nói ĐSQ Mỹ khó lắm. Chứ mình lại thấy ĐSQ Mỹ là ĐSQ làm việc nhanh và chuyên nghiệp nhất trong sự hiểu biết của mình. Lý do là vì khi xin visa đi Mỹ, người ta sẽ xem hồ sơ của bạn rồi phỏng vấn bạn luôn trong ngày hẹn. Sau đó bạn sẽ biết luôn mình có được nhận visa hay không. Cách thức làm việc này rất nhanh. Khác với trường hợp của đa số ĐSQ là bạn nộp hồ sơ rồi 1-2, hoặc có khi 3 tuần sau mới có kết quả.

Với ĐSQ Mỹ, cần lưu ý là bạn phải phỏng vấn bằng tiếng Anh. Nên hoặc là bạn sẽ cần đến người phiên dịch, hoặc là bạn chuẩn bị tốt cho việc trả lời phỏng vấn. Cần trả lời thẳng thắn, không quanh co, không nói dối, vì nếu bị phát hiện là người ta từ chối bạn liền.

– Lãnh sự New Zealand:

Bây giờ thì mình không rõ. Nhưng vào năm 2012 mình xin visa đi New Zealand thì phải gửi toàn bộ giấy tờ đến lãnh sự NZ ở trong Sài Gòn. Đại sứ quán NZ yêu cầu rất nhiều giấy tờ, nhưng được cái khi đơn vị mời mình hỗ trợ bằng cách liên lạc với họ thì họ tiến hành luôn và gửi lại hộ chiếu cho mình khá sớm. Cần lưu ý là lệ phí xin visa NZ phải được nộp qua ngân hàng ANZ nhé!

– Lãnh sự Đài Loan:

Mình thấy họ làm việc khá nhanh gọn. Tất nhiên mình cũng phải ngồi chờ đến lượt để nộp hồ sơ nhưng được cái không gặp khó khăn gì. Năm ngoái lúc mình nộp hồ sơ thì họ yêu cầu thanh toán phí bằng USD, nên ai xin visa ĐL nhớ là phải thanh toán bằng USD, không phải tiền Việt nhé.

– ĐSQ Hàn Quốc:

Vì đã được nghe nhiều là ĐSQ Hàn Quốc quá tải lắm nên mình cũng hãi. Nhưng đến lúc nộp hồ sơ rồi thì mình thấy bình thường. Họ sẽ cho bạn số, rồi bạn ngồi chờ cho đến khi đến lượt (phòng chờ khá thoải mái, nên mang theo điện thoại hoặc sách báo để giải trí lúc ngồi chờ). Chỉ cần nộp đầy đủ giấy tờ, rồi 2 tuần sau đấy lấy hộ chiếu là xong! Theo mình không nên nộp hồ sơ qua công ty môi giới nào cả, trừ khi là bạn quá bận và lịch quá gấp. Vì nộp qua sứ quán thì họ xử lý cũng không quá lâu, mà bạn lại chỉ phải nộp đúng $20. Tính đến thời điểm mình nộp hồ sơ vào tháng trước 3/2015 (thay vì khoảng $100 gì đó nếu qua môi giới).

Ngoài ra, hãy nhớ là lệ phí không được thanh toán trực tiếp với nhân viên sứ quán. Mà phải thanh toán với ngân hàng ở ngay bên dưới tầng 1. Ở tòa nhà Charm Vit (nếu bạn ở HN) nơi đặt trụ sở của phòng lãnh sự. Ngoài ra, theo mình nhớ thì phải nộp USD thay vì VNĐ.

– ĐSQ Nhật:

Xin visa Nhật thì có đặc thù là bạn nên có người quen, bạn bè hoặc người thân mời sang. (nên, nhưng không có nghĩa là bắt buộc, cũng có người không có người quen thân mà vẫn xin được visa). Lệ phí xin visa đi Nhật cũng vừa phải, chỉ tầm vài trăm nghìn.

– ĐSQ Anh:

Mọi thông tin chi tiết đã có ở trang này.

Anh là một đất nước đáng ngưỡng mộ và London là thành phố yêu thích của mình. 

– Xin visa Schengen đi Châu Âu: vì đặc thù mỗi ĐSQ một khác nên mình khó lòng đưa ra lời khuyên chính xác được. Nhưng mình vẫn phải nhấn mạnh lại là bạn phải chuẩn bị kỹ, làm đúng theo thủ tục và cố gắng nộp hồ sơ xin visa sớm. Tuy xin visa đi EU có chút phức tạp. Nhưng được cái khi đã có visa Schengen rồi thì bạn có thể đi lại thoải mái giữa các nước Châu Âu. (mà nhờ hội nhập nên số người di chuyển rất nhiều, đâm ra vé máy bay, vé tàu không đắt mấy, bạn có thể mua được vé máy bay rẻ hơn rất nhiều so với mua vé đi các nước từ VN!).

Còn một điểm cần lưu ý nữa là xin visa Schengen thì phải mua bảo hiểm du lịch nhé. Nhưng hãy yên tâm là hiện nay có nhiều loại bảo hiểm không hề đắt. Chi phí chỉ khoảng vài trăm nghìn nếu bạn đi trong 1-2 tuần, mà lại được đảm bảo nếu có thất lạc hành lý, gặp tai nạn hay lỡ chuyến bay thì bạn sẽ được bảo hiểm đền bù.

Xin visa đi Thổ Nhĩ Kỳ:

Để xin visa điện tử, bạn cần có visa Schengen hoặc thẻ cư trú của một nước thuộc nhóm OECD. Vé máy bay với một hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xin e-visa qua mạng (thao tác khá đơn giản, nhanh gọn).

Một số lưu ý nhỏ khác:

-Hầu hết các sứ quán đều yêu cầu bạn nộp đầy đủ giấy tờ kèm theo bản sao hộ chiếu (có đầy đủ các trang dán visa các nước bạn từng đi hoặc dấu của các nước bạn từng đến). Một số sứ quán không nêu rõ yêu cầu này trên website. Nên trước khi nộp hồ sơ tốt nhất bạn nên photo hộ chiếu ra 1-2 bản, mang theo cho an tâm.

– Đối với các sứ quán không làm việc theo kiểu đặt lịch hẹn trước. bạn cần lưu ý giờ giấc làm việc và không đến muộn sau giờ làm việc quy định. Cần để ý cả ngày nghỉ của sứ quán nữa vì nhiều sứ quán có những ngày nghỉ của riêng nước họ. (ngày làm việc của bạn có khi lại là ngày nghỉ của họ, thành ra bạn có đến cũng công cốc!). Lịch nhận hồ sơ và trả hồ sơ thường rơi vào các ngày hoặc buổi khác nhau. Cái này bạn cần hỏi kỹ nhân viên bảo vệ hoặc đọc kỹ hướng dẫn trên website của sứ quán.

Hạn mức tiền tiết kiệm

– Thường thì các sứ quán không có quy định về hạn mức tiền tiết kiệm tối thiểu bạn cần có. Nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân mình, 100 triệu là an toàn. Tất nhiên, nếu bạn có nhiều hơn thì càng tốt; nhưng ít hơn thì có thể bạn sẽ gặp rắc rối. Hãy hiểu rằng đi du lịch những nước phát triển rất tốn kém.

Ví dụ, nếu không tính tiền vé máy bay thì bạn có thể đi chơi được ở London trong 1 tuần với 15 triệu đồng. Hoặc thậm chí 10 triệu đồng nếu có người cho ở nhờ và có thẻ tín dụng. Nhưng sứ quán sẽ không thông cảm cho tình trạng tài chính hạn hẹp đâu. (nhất là khi có những rủi ro như lỡ chuyến bay, gặp vấn đề cần đến nhiều tiền như tai nạn không may, vân vân) nên bạn cần chuẩn bị đủ nhé. Trong trường hợp có người mời bạn đi công tác, hãy “lợi dụng” họ triệt để. Nhờ họ gửi fax sang sứ quán nếu như sứ quán xử lý có hơi chậm chẳng hạn. Thường thì những trường hợp đi công tác dễ được ưu tiên hơn.

Chúc mọi người luôn gặp may mắn khi xin visa nhé!

Xem thêm: Hàn Quốc sẽ miễn visa 5 ngày cho du khách Việt Nam

Thong Nguyen

Là một người hướng nội và ít nói, sau những lần "buộc" phải di chuyển vì nhu cầu học tập, Thông đã bị nghiện những câu chuyện và những trải nghiệm tại những địa điểm, những quốc gia và con người trên từng bước đường. Thông luôn quan niệm rằng sống là không chờ đợi, không vội vàng hấp tấp nhưng phải luôn luôn đấu tranh cho những gì mình yêu thích.

Recent Posts

9 ĐỊA ĐIỂM DU XUÂN PHẢI TỚI ĐỂ CHIÊM NGƯỠNG HOA NỞ Ở TỈNH GANGWON

Hãy để những bông hoa xinh đẹp của mùa xuân ở Gangwon đánh cắp trái…

3 years ago

Cẩm nang du lịch tối ưu cho một kỳ nghỉ ngắn ngày sau Covid-19 tại Việt Nam!

Đại dịch coronavirus đã đưa ngành du lịch rơi vào tình trạng bế tắc. Với…

4 years ago

Cẩm nang du lịch Okinawa – thiên đường bí ẩn của Nhật Bản

Khi nghĩ đến Nhật Bản, tôi nhớ ngay đến cảnh đô thị náo nhiệt -…

4 years ago

15 món quà lưu niệm Okinawa thú vị mà bạn nhất định phải săn về nhà

Khi ngồi xuống viết danh sách những món quà lưu niệm Okinawa, trong đầu tôi…

4 years ago

18 Chợ Đường Phố Hong Kong Nhất Định Phải Đến

Hong Kong là thành phố nổi tiếng bởi vẻ hiện đại nhưng đồng thời gắn…

4 years ago

FlixBus: Đánh giá những điểm tốt và hạn chế

Nếu bạn chuẩn bị đến châu Âu, tôi chắc rằng đa số bạn bè của…

4 years ago